Trong hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sắp diễn ra vào cuối tuần
này, Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép ngoại giao lớn nhất từ trước tới
nay của Mỹ về vấn đề tranh chấp biển đảo khi Washington quyết tâm ngăn
cản những nỗ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng của Bắc Kinh trên Biển
Đông.
Áp lực mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gây ra với Trung Quốc trước thềm
ARF cho thấy Washington đang ngày càng quan tâm tới vấn đề tranh chấp
trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tìm cách dùng sức mạnh của mình để
chèn ép, bắt nạt các quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ông Kerry sẽ đặt chân đến Myanmar vào thứ Bảy tới đây để cùng ngồi
lại với các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản,
Ấn Độ, Úc, EU và EU trong một hội nghị cấp cao nhất trong năm nay của
khu vực.
Trước khi ông Kerry đến tham dự hội nghị này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
đặc trách Đông Á Daniel Russel cho biết ưu tiên của Mỹ trong hội nghị
lần này là hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có những
động thái làm thay đổi hiện trạng, đe dọa đến hòa bình và ổn định trong
khu vực.
Ông Russel cho hay Ngoại trưởng John Kery sẽ tiếp tục gây sức ép để
các bên ngừng mọi hoạt động làm phức tạp hóa tình hình tranh chấp lãnh
thổ trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Trong tuyên bố của mình, ông Russel khẳng định Mỹ có nhiều bằng chứng
cho thấy Trung Quốc đang tìm cách nâng cấp các cơ sở quân sự trên những
hòn đảo nhở ở Biển Đông và “vượt mặt” các quốc gia khác trong khu vực.
Bắc Kinh từ trước tới nay vẫn luôn phản đối sự tham gia của Mỹ vào
quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và thẳng thừng bác bỏ đề
xuất của Mỹ, Philippines về việc ngừng các hành động đào đắp làm thay
đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhiều hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Hôm qua, nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc đồng loạt đăng tin nước này
đang xem xét xây dựng 5 ngọn hải đăng trên các hòn đảo thuộc quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ trái phép, một
động thái được cho là nhằm thách thức Mỹ ngay trước thềm ARF.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Ngoại trưởng Kerry
đến hội nghị lần này không phải là để phô trương. Đây không phải là một
trận chiến siêu quyền lực”. Quan chức này tiết lộ rằng ông Kerry sẽ kêu
gọi tất cả các bên kiềm chế trên Biển Đông, tránh gây thêm căng thẳng
tại vùng biển chiến lược này.
Sự quyết liệt này của Mỹ sẽ làm gia tăng đáng kể sức ép lên Bắc Kinh
trong việc đối phó với những quan ngại ngày càng tăng trong khu vực,
đồng thời có thể khuyến khích một số quốc gia ASEAN có những bước đi
nhanh chóng hơn nữa trong việc xúc tiến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông
(COC) để giảm thiểu căng thẳng.
Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược
và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Người Mỹ quyết định như vậy không
phải dựa trên những gì Trung Quốc nói, mà với những gì Bắc Kinh đang
làm, Mỹ sẽ phải thay đổi luật chơi”.
Ông nói tiếp: “Việc Mỹ yêu cầu các bên ngừng mọi hoạt động thay đổi
hiện trạng trên Biển Đông có thể được coi là một cấp độ tham gia và
chính sách ngoại giao mới của Mỹ vào vấn đề này”.
Các quan chức ngoại giao tại hội nghị ARF tổ chức ở Brunei năm 2013
Căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu lên cao từ hồi tháng Năm, sau khi
Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam. Quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines cũng xuống
đến mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây vì những hành động ngang
ngược của Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp.
Hồi tháng Năm, Philippines cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách đào đắp
nhằm xây dựng một sân bay quân sự trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường
Sa của Việt Nam. Ngoài ra, họ còn có kế hoạch tập kết vật liệu để biến
nhiều bãi đá thành đảo, phục vụ cho tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trên
Biển Đông.
Trong khi đó, các quốc gia ASEAN vẫn chưa đạt được sự đoàn kết cần
thiết trong việc đối phó với những âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong bản thảo tuyên bố chung mà các ngoại trưởng ASEAN sẽ đưa ra tại
hội nghị lần này có đoạn kêu gọi chấm dứt các “hành động gây bất ổn”
trên Biển Đông, tuy nhiên đang có nhiều lo ngại rằng đoạn này sẽ bị gạt
ra khỏi văn bản chính thức, bởi một số thành viên ASEAN như Campuchia,
Myanmar có quan hệ kinh tế và chính trị khá chặt chẽ với Trung Quốc.
All comments [ 0 ]
Your comments